Kim tự tháp Kheops hay kim tự tháp Kê ốp, kim tự tháp Khufu hoặc Đại kim tự tháp Giza (29°58′41″B 31°07′53″Đ / 29,97806°B 31,13139°Đ), là một trong những công trình cổ nhất và duy nhất còn tồn tại trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Các nhà Ai Cập học nói chung đã đồng ý rằng kim tự tháp được xây trong khoảng thời gian 20 năm từ khoảng năm 2560 TCN[1]. Mọi người cũng cho rằng Đại kim tự tháp được xây dựng làm lăng mộ cho Pharaon Kheops (chuyển tự từ tiếng Hy Lạp Χέωψ; tiếng Ai Cập: Khufu) thuộc Triều đại thứ 4 thời Ai Cập cổ đại, vì thế nó đã được gọi là Kim tự tháp Kheops[2]. Vị tể tướng của Kheops là Hemon được cho là kiến trúc sư của Đại Kim tự tháp này[3].
Quá trình xây dựng được các nhà Ai Cập học tin là trong khoảng 20 năm, đánh giá được chấp nhận rộng rãi nhất cho năm hoàn thành là khoảng 2560 TCN[1](Thời Cựu Vương Quốc). Năm hoàn thành này được ủng hộ một cách không chắc chắn bởi những khám phá khảo cổ tới bây giờ vẫn chưa tiết lộ một nền văn minh nào (hay một dân số đủ lớn hay đủ khả năng kỹ thuật) xưa hơn Triều đại thứ tư trong khu vực này.
Đại Kim Tự Tháp này là mới nhất và lớn nhất trong ba kim tự tháp trong vùng Giza Necropolis giáp với Cairo, Ai Cập ở châu Phi. Nó là phần chính của một cấu trúc phức tạp các công trình bao gồm cả hai ngôi đền nhà xác để thờ Kheops (một gần kim tự tháp và một gần sông Nil), ba kim tự tháp nhỏ hơn cho các bà vợ của Kheops, và một kim tự tháp "vệ tinh" nhỏ hơn, một đường đắp cao nối hai ngôi đền và một nhà mồ nhỏ bao quanh kim tự tháp cho các quý tộc. Một trong các kim tự tháp nhỏ chứa mộ của hoàng hậu Hetepheres (khám phá năm 1925), em gái và vợ của Sneferu và mẹ của Kheops. Cũng có thành phố cho công nhân, bao gồm một nghĩa trang, các tiệm bánh, một xưởng làm bia và một khu để luyện (nấu chảy) đồng. Nhiều tòa nhà và các khu cấu trúc khác đang được khám phá bởi Dự án vẽ bản đồ Giza.
Cách vài trăm mét về phía tây nam Kim tự tháp Kheops là một kim tự tháp hơi nhỏ hơn khác, Kim tự tháp Khafre, một trong những người kế vị Kheops và được tin rằng là người đã xây dựng Đại Sphinx Giza Đại Nhân sư. Thêm vài trăm mét nữa ở phía tây nam là Kim tự tháp Menkaure, người kế vị Khafre, với chiều cao khoảng một nửa Đại kim tự tháp. Hiện nay, kim tự tháp Khafre là kim tự tháp cao nhất trong nhóm bởi Đại kim tự tháp đã mất khoảng 30 feet chiều cao vật liệu trên đỉnh. Thời cổ đại, Kim tự tháp Kheops quả thực là cao nhất, nhưng trên thực tế khi ấy kim tự tháp Khafre nhìn vẫn có vẻ cao hơn vì các cạnh của nó có góc đứng hơn so với Kim tự tháp Kheops và nó được xây dựng trên thế đất cao hơn.
Kim tự tháp Kheops trong một bức ảnh chụp từ thế kỷ 19
Các vật liệu và nhân lực[sửa | sửa mã nguồn]
Nhiều ước tính khác nhau đã được đưa ra về số lượng nhân lực cần thiết xây dựng Đại kim tự tháp. Herodotus, nhà sử học Hy Lạp ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, đã ước lượng việc xây dựng có thể cần tới 100.000 người trong 20 năm. Những bằng chứng gần đây đã cho thấy khả năng trên thực tế số nhân công xây dựng được trả tiền cho sức lao động của mình, vì thế đòi hỏi phải có một hệ thống quan lại và kế toán được tổ chức ở mức khá chặt chẽ. Kiến trúc sư người Ba Lan Wieslaw Kozinski tin rằng cần phải có 25 người mới mang được một khối đá nặng 1,5 tấn. Dựa vào đó, ông ước tính số nhân công là 300.000 người trên công trường, với khoảng 60.000 ở những nơi khác. Nhà Ai Cập học thế kỷ 19 William Flinders Petrie đã đề xuất rằng đa số nhân công không phải là nô lệ mà là dân cư ở những vùng nông nghiệp tại Ai Cập, lao động vào những thời kỳ có lũ ở sông Nil và các hoạt động nông nghiệp đang tạm ngưng.
Nhà Ai Cập học Miroslav Verner thừa nhận rằng số lao động được tổ chức thành một hệ thống cấp bậc, gồm hai toán 1.000 người, được tổ chức thành năm zaa hay phyle với 200 người, có thể họ lại tiếp tục được phân chia nhỏ nữa theo trình độ tay nghề[4]. Một số nghiên cứu đưa ra các ước tính khác về số nhân công xây dựng. Ví dụ, nhà toán học Kurt Mendelssohn đã tính rằng lượng nhân lực cao nhất có thể lên tới 50.000 người, trong khi Ludwig Borchardt và Louis Croon cho rằng con số đó là 36.000. Theo Verner, việc xây dựng Đại kim tự tháp không đòi hỏi quá 30.000 nhân công.
Một cuộc nghiên cứu quản lý xây dựng do công ty Daniel, Mann, Johnson, & Mendenhall hợp tác cùng Mark Lehner và các nhà Ai Cập học khác tiến hành đã ước tính rằng toàn bộ dự án này cần lượng nhân công trung bình là 13.200 người và ở đỉnh điểm là 40.000. Không sử dụng ròng rọc, bánh xe, hay các công cụ sắt, họ giả định rằng Đại kim tự tháp từ khi khởi công tới khi hoàn thành mất khoảng 10 năm[5]. Cuộc nghiên cứu ước tính số khối đá được sử dụng trong xây dựng ở trong khoảng 2-2,8 triệu (trung bình 2,4 triệu), nhưng lấy con số chính xác giảm còn 2 triệu sau khi trừ bớt diện tích ước tính của các khoảng không phòng bên trong[5]. Đa số các nguồn đồng ý với con số khoảng trên 2 triệu khối đá này[6]. Những tính toán của các nhà Ai Cập học cho rằng số nhân công phải đạt được mức 180 khối trên giờ (3 khối/phút) với mười giờ lao động mỗi ngày để đặt mỗi khối đá riêng biệt vào vị trí của chúng. Họ đưa ra được những ước tính này sau khi thử nghiệm xây dựng không sử dụng máy móc hiện đại[5]. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này không đưa ra được công nhận, đặc biệt khi đem so sánh với các dự án xây dựng tại các nước thuộc thế giới thứ ba, hậu cần và tay nghề người thợ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một công trình có tầm cỡ không tương đương với sự chính xác như vậy, hay trong số những điều khác, việc sử dụng tới 60-80 tấn đá lấy từ mỏ và vận chuyển qua một khoảng cách hơn 500 dặm.
Trái lại, một nghiên cứu khả thi Đại kim tự tháp liên quan tới việc khai thác đá từ mỏ đã được Giám đốc kỹ thuật Viện Đá vôi Idiana châu Mỹ Merle Booker tiến hành năm 1978. Với 33 mỏ đá, Viện được nhiều kiến trúc sư coi là một trong những cơ quan nghiên cứu đá vôi hàng đầu thế giới. Sử dụng thiết bị hiện đại, cuộc nghiên cứu đưa ra kết luận:
- "Sử dụng toàn bộ cơ sở ngành công nghiệp đá vôi Indiana như hiện tại [33 mỏ], và lấy con số sản xuất gấp ba mức trung bình hiện nay, cần phải có 27 năm để khai thác đá, chế tạo và chuyên chở đủ số cần thiết."
Booker chỉ ra số thời gian cuộc nghiên cứu cho là đủ để các toa tàu chở hàng được sử dụng liên tục, không bị trễ hay có thời gian chết của máy móc trong suốt quãng 27 năm đó và cũng không tính tới khả năng tăng giá chi phí trong thời gian để hoàn thành công việc[7].
Những giá trị được các nhà Ai Cập học chấp nhận xác nhận kết quả sau:
Vì thế dù có bao nhiêu công nhân được sử dụng hay bất kỳ hình thức nào, thì 1,1 khối phải được xếp vào đúng chỗ mỗi 2 phút, mười giờ một ngày, 365 ngày một năm trong 24 năm để hoàn thành Đại kim tự tháp trong khuôn khổ thời gian đó. Để sử dụng phương trình tương tự, nhưng thay thời gian thành 100 năm chứ không phải 20, thì cứ mười phút phải hoàn thành 1,1 khối đá.
Tuy nhiên, phương trình không bao gồm khoảng thời gian và nhân công cần thiết cho việc thiết kế, lập kế hoạch, khảo sát và chuẩn bị mặt bằng diện tích 13 mẫu Anh của Đại kim tự tháp. Nó cũng không bao gồm thời gian xây dựng hai kim tự tháp chính khác trên cùng công trường, con Nhân Sư (Sphinx), các đền, các hệ thống đường đắp cao, nhiều dặm vuông mặt bằng được lát đá, chuẩn bị mặt bằng toàn bộ thung lũng Giza, 35 bến thuyền được đục vào trong đá nền cứng, hay nhiều thứ đòi hỏi nhiều nhân công khác. Toàn bộ thung lũng Giza đã được xây dựng trong thời cai trị của nhiều pharaoh trong chưa tới một trăm năm. Bắt đầu với vua Djoser cầm quyền từ 2687-2667 TCN, ba kim tự tháp lớn khác cũng đã được xây dựng - Kim tự tháp bậc Saqqara (được cho là kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập), Kim tự tháp Bent và Kim tự tháp đỏ của vua Sneferu. Cũng trong giai đoạn này (từ 2686 đến 2498 TCN) đập Wadi Al-Garawi sử dụng theo ước tính tới 100.000 mét khối đá và gạch cũng đã được xây dựng[8]. Bắt đầu từ Saqqara, nhà Ai Cập học Barbara Mertz đã ước tính gần 700 kim tự tháp đã được xây dựng ở Ai Cập trong khoảng thời gian gần 500 năm[9].
Các lý thuyết về phương pháp xây dựng[sửa | sửa mã nguồn]
Herodotus đã cho rằng các khối đá sử dụng xây dựng Đại kim tự tháp được đặt vào vị trí bằng cách đưa chúng lên dần từng giàn giáo gỗ ngắn liên tiếp. Một khả năng khác được học giả cổ đại Diodorus Siculus đề xuất là các khối đá lớn được kéo lê dọc một hệ thống các đường dốc để tới độ cao cần thiết. Gần đây hơn, Mark Lehner cho rằng một đường dốc hình xoắn ốc, bắt đầu từ mỏ đá dẫn tới phía đông nam và tiếp tục chạy quanh bên ngoài kim tự tháp, có lẽ đã được áp dụng. Các khối đá có thể đã được đặt trên các xe trượt chạy trên đường được bôi trơn bằng nước hoặc sữa[10]. Một số người tin rằng các khối đá được di chuyển nhờ con lăn, súc gỗ tròn đặt liên tục bên dưới các khối đá[11].
Nếu một đường dốc được sử đụng để đưa các khối đá cao nhất vào vị trí thì nó phải ngày càng thu hẹp lại bởi vì đỉnh kim tự tháp nhỏ dần lên phía trên. Tuy nhiên, việc xây dựng con đường dốc đó cũng đòi hỏi rất nhiều nhân lực, quá nửa số nhân công cần thiết để xây dựng chính kim tự tháp. Việc khai quật vùng phía nam Đại kim tự tháp đã cho thấy bằng chứng sót lại của một con đường dốc gồm hai bức tường được xây bằng gạch vụn được trộn với Tafla hai bên. Ở giữa được nhồi cát và thạch cao tạo nên thân đường. Chúng đã được phát hiện trong khi tái bố trí các hệ thống âm thanh và ánh sáng tại Giza. Theo kích cỡ lý thuyết về con đường dốc tầm cỡ lớn đáp ứng yêu cầu cho việc xây dựng Đại kim tự tháp, chúng ta sẽ không hiểu con đường dốc cỡ nhỏ mới được khám phá đó được dùng vào việc gì[12].
Cũng có ý kiến cho rằng người Ai Cập có thể đã di chuyển các khối đá bằng sức gió, nhờ vào các cánh diều và các ròng rọc chứ không phải nhờ số lượng nô lệ đông đảo. Ngày 23 tháng 6 năm 2001, giáo sư hàng không Caltech Mory Gharib và một nhóm nhỏ sinh viên chưa tốt nghiệp đã nâng một cột tháp 6900 lb (3,1 tấn), cao 3 mét vào vị trí thẳng đứng nhờ sức gió 22 dặm/giờ (35 km/giờ) tại sa mạc California trong vòng 25. Họ sử dụng một cánh diều, hệ thống ròng rọc, và các khung đỡ để chứng minh rằng sức gió có thể được khai thác để tạo ra các lực nâng lớn. Maureen Clemmons lần đầu tiên nghĩ tới ý tường này khi xem một hình ảnh vài người đàn ông đang dựng một cột tháp trong tạp chí Smithsonian. Clemmons cũng tìm ra một mảnh vải len (frieze) thể hiện một mô hình cánh không thể xác định bên trên vài người đàn ông và có thể là một số dây chão[13].
Nhà khoa học vật liệu Joseph Davidovits đã thừa nhận rằng các khối đá kim tự tháp không phải là đá đục, mà đa số là một hình thức bê tông đá vôi: tức là chúng đã được 'đổ khuôn' như với xi măng hiện đại. Theo lý thuyết này đá vôi mềm chứa nhiều kaolinit được khai thác ở con suối cạn phía nam cao nguyên Giza. Chúng được ngâm trong những bể lớn gần sông Nil cho tới khi rữa trở thành sền sệt như hồ. Vôi (được tìm thấy trong tro bếp) và natri (cũng được người Ai Cập sử dụng trong ướp xác) được trộn vào. Sau đó các bể này được để bốc hơi tự do, còn lại một hỗn hợp như đất sét ướt. Thứ "bê tông" ướt này sẽ được mang tới công trình và được đóng vào trong các khuôn gỗ có thể tái sử dụng trong vài ngày để trải qua một quá trình phản ứng hóa học tương tự như sự 'đông cứng' của xi măng. Ông cho rằng, các khối đá mới sẽ được đổ khuôn ngay tại chỗ, bên trên khối cũ. Các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm sử dụng hỗn hợp tương tự do viện địa cao phân tử (geopolymer) ở bắc Pháp tiến hành thấy rằng một đội mười người, sử dụng các công cụ đơn giản, có thể xây dựng một cấu trúc gồm mười bốn khối đá từ 1,3 đến 4,5 tấn trong vài ngày[14].
Khi xây dựng, Đại kim tự tháp cao 280 cubit hoàng gia Ai Cập (146,5 mét hay 481 ft), nhưng vì bị ăn mòn và bị mất trộm phiến đá trên đỉnh (chóp tháp) chiều cao hiện tại là 455,21 ft, tương đương 138,75 m. Như đã được chứng minh trong nhiều văn tự trên giấy cói[cần dẫn nguồn], mỗi cạnh đáy thời xưa dài 440 (20,63 inch) cubit hoàng gia. Vì thế, cạnh đáy nguyên thủy dài 231 m mỗi phía và chiếm khoảng diện tích xấp xỉ 53.000 mét vuông với góc 51,7 độ— gần mức lý tưởng cho một kết cấu kim tự tháp ổn định. Ngày nay mỗi cạnh dài khoảng 230,36 mét. Kích thước giảm và vẻ ngoài thô hiện nay vì nó đã mất những tấm đá bóng ốp bên ngoài, một số tấm có kích thước lên tới hai mét rưỡi chiều dày và nặng hơn 15 tấn.
Trong thế kỷ 14 (năm 1301), một trận động đất lớn đã làm nhiều tấm đá ốp ngoài rơi ra, sau đó chúng bị Vua Hồi giáo Bahri An-Nasir Nasir-ad-Din al-Hasan mang đi năm 1356 để xây dựng các đền thờ Hồi giáo và các pháo đài tại Cairo gần đó; tới ngày nay, vẫn có thể thấy các tấm đá đó tại các công trình đó. Những nhà thám hiểm sau này đã thông báo về nhiều đống vật liệu vụn nát ở đáy các kim tự tháp hậu quả của sự sụp đổ tấm ốp sau đó và cuối cùng chúng đã bị dọn dẹp cho các cuộc khai quật. Tuy vậy, hiện nay ta vẫn thấy nhiều tấm đá ốp quanh đáy Đại kim tự tháp cho thấy tài nghệ xây dựng và ở đúng vị trí như đã được miêu tả trong hàng thế kỷ trước đó.
Những đo đạc kim tự tháp chính xác đầu tiên được Sir Flinders Petrie tiến hành năm 1880–82 và xuất bản trong cuốn Các kim tự tháp và các đền Gizeh[15]. Hầu như tất cả các báo cáo đều dựa trên những con số này. Petrie khám phá rằng kim tự tháp được định hướng 4' Tây bắc và kim tự tháp thứ hai cũng được định hướng tương tự. Petrie cũng khám phá ra sự định hướng khác biệt giữa lõi và vỏ ngoài (– 5'16" ± 10"). Petrie cho rằng việc tái xác định phương bắc đã được tiến hành sau khi hoàn thành phần lõi và bị lỗi, vì thế vỏ ngoài được xây theo hướng khác. Sự lệch hướng bắc này của lõi, tương đương với vị trí của các sao b-Ursae Minoris và z-Ursae Majoris khoảng 3.000 năm trước, đã tính đến sự tiến động của trục Trái Đất. Một cuộc nghiên cứu do nhà Ai Cập học Kate Spence tiến hành cho thấy những sự thay đổi về hướng của 8 kim tự tháp tương đương với những sự thay đổi vị trí của các ngôi sao đó theo thời gian. Điều này giúp xác định niên đại bắt đầu xây dựng kim tự tháp là năm 2467 TCN[16].
Trong bốn thiên niên kỷ đây là công trình cao nhất thế giới, và tiếp tục giữ vị trí này cho tới khi tháp Thánh đường Lincoln cao 160 mét được hoàn thành năm 1300. Độ chính xác trong xây dựng của kim tự tháp đạt tới mức bốn cạnh đáy có độ lệch trung bình chỉ là 50 mm chiều dài, và 12 giây góc so với một hình vuông chuẩn. Các cạnh hình vuông gần thẳng hàng với bốn điểm la bàn thứ tự tới trong 3 phút cung và dựa trên cực bắc thực chứ không phải cực bắc từ.
Kim tự tháp được xây dựng bằng những khối đá vôi, bazan hay hoa cương đã được đẽo gọt. Lõi được làm phần lớn bằng những khói đá vôi thô chất lượng thấp khai thác từ mỏ phía nam kim tự tháp Kheops. Những khối đá này nặng trung bình từ hai tới bốn tấn. Ước tính 2,4 triệu khối đã được sử dụng cho công trình. Các khối đá vôi chất lượng cao được sử dụng làm tấp ốp ngoài, một số khối có trọng lượng tới 15 tấn. Đá vôi được lấy từ Tura, khoảng 8 dặm từ phía bên kia sông Nil. Mỏ đá hoa cương có khoảng cách gần 500 dặm tại Aswan với những khối nặng tới 60-80 tấn, được sử dụng cho các cánh cổng và các căn phòng.
Tổng khối lượng kim tự tháp được ước tính khoảng 5,9 triệu tấn với thể tích (gồm cả một đồi nhỏ bên trong) khoảng 2.600.000 mét khối. Kim tự tháp là công trình lớn nhất Ai Cập và cao nhất thế giới (một kết cấu mới được khám phá ở Bosna có thể cao hơn). Chỉ Đại kim tự tháp Cholula tại Puebla, México có trọng lượng nhỏ hơn, nhưng có thể tích lớn hơn.
Khi hoàn thành, Đại kim tự tháp được ốp ngoài bởi các phiến 'đá ốp' trắng– nghiêng, nhưng có đỉnh phẳng, được mài rất trắng. Nhờ vậy công trình tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời và thậm chí cả trong đêm với ánh trăng mọi người cũng quan sát thấy nó từ các ngọn núi phía nam Ai Cập, với khoảng cách 200 dặm (300 km). Hiển nhiên ngày nay mọi thứ còn lại chỉ là lõi kim tự tháp kiểu bậc thang, nhưng nhiều phiến đá ốp vẫn có thể được thấy xung quanh đáy. Các phiến đá ốp Đại kim tự tháp và Kim tự tháp Khafre (được xây dựng ngay bên cạnh) được cắt chính xác tới mức trên toàn bộ diện tích bề mặt chúng chỉ lệch khỏi mặt phẳng thực 1/50 inch. Chúng được gắn vào nhau hoàn hảo tới mức tới tận ngày nay ta cũng không thể nhét được một mũi dao vào giữa khe nối.
Đại kim tự tháp có cách bố trí bên trong khác với các kim tự tháp khác trong vùng. Số lượng đường đi và phòng lớn nhất, các chi tiết được hoàn thiện tinh vi, độ chính xác trong xây dựng đều là những điểm phân biệt giữa chúng. Các bức tường trong toàn bộ kim tự tháp đều trơn và không được khắc chữ, nhưng có những câu khắc — hay nói chính xác hơn là chữ viết trên tường — được cho là do các công nhân viết lên các phiến đá trước khi chúng được ráp với nhau. Tất cả năm phòng phụ (relieving chamber) đều có khắc chữ. Đoạn nổi tiếng nhất là đoạn nhắc tới tên Kheops; viết "năm 17 triều Kheops". Dù một số học giả lại đưa ra ý kiến khác, bởi khi xét đến vị trí tạm thời của nó thì khó có thể tin rằng nó đã được khắc sau khi xây dựng; thậm chí Graham Hancock đã chấp nhận điều này, sau khi Tiến sĩ Hawass cho phép ông nghiên cứu đoạn văn. Một đoạn khác nói về "những người bạn của Kheops", và có thể từng là tên của một trong những toán thợ. Dù nó không phải là một bằng chứng không thể phủ nhận về việc Kheops là người đầu tiên ra lệnh xây dựng Đại kim tự tháp, tuy nhiên nó thật sự xóa bỏ nghi vấn về việc ít nhất ông có tham gia vào một số công đoạn xây dựng (hay những công việc sửa chữa công trình sau này) trong thời cai trị của mình.
Có ba phòng bên trong Đại kim tự tháp. Chúng đều được bố trí ở vị trí trung tâm, trên trục đứng của kim tự tháp. Phòng thấp nhất ("phòng chưa hoàn thiện") được đục vào đá xây kim tự tháp. Phòng này là phòng lớn nhất, nhưng hoàn toàn chưa hoàn thành, chỉ mới được đục thô vào đá.
Phòng giữa, hay Phòng Nữ hoàng, là phòng nhỏ nhất, có kích thước khoảng 5,74 × 5,23 mét, và cao 4,57 m. Bức tường phía đông phòng có một ô cửa góc hay hốc tường lớn, và hai ống thông hơi hẹp, chỉ rộng khoảng 20 cm, kéo dài từ phòng này đến bề mặt ngoài kim tự tháp, nhưng bị các "cánh cửa" đá vôi chặn ở nhiều đoạn. Nhà Ai Cập học Mark Lehner tin rằng Phòng Nữ hoàng được dự định dùng làm một serdab— một cấu trúc được tìm thấy trong nhiều kim tự tháp Ai Cập khác— và rằng hốc tường có lẽ đã từng chứa một pho tượng. Người Ai Cập cổ đại tin rằng tượng sẽ được dùng làm một con tàu "dự trữ" cho Ka (linh hồn) của pharaoh, nếu xác ướp bị phá huỷ. Tuy vậy, mục đích thực sự của căn phòng vẫn còn là điều bí ẩn.
Ở cuối hoàng loạt những lối dài dẫn vào trong kim tự tháp là cấu trúc của phòng chính Phòng Hoàng đế. Phòng này ban đầu có kích thước 10 × 20 × 5V5 cubit, hay khoảng 17 × 34 × 19 ft, gần kiểu hình khối kép.
Các đặc điểm chính khác của Đại kim tự tháp gồm Phòng trưng bày lớn, quan tài được tìm thấy trong Phòng Hoàng đế, cả các lối lên và lối xuống, và phần thấp nhất của "phòng chưa hoàn thiện" bên trên.
Phòng trưng bày lớn (49 × 3 × 11 m) có đặc điểm ở thiết kế kiểu tay đòn đỡ khéo léo và nhiều "khoảng trống" được đặt cách quãng đều dọc theo chiều dài mỗi phía đáy với một "rãnh" chạy dọc chiều dài sàn phòng. Những khoảng trống này được dùng làm gì hiện vẫn là điều bí ẩn. Kim tự tháp Đỏ tại Dashur cũng có các phòng trưng bày lớn và thiết kế tương tự.
Quan tài trong phòng Hoàng đế được khoét trong một phiến đá granit Aswan đỏ và quá lớn để được mang vào qua đường đi bên trong. Quan tài có được dự định đựng xác hay không vẫn là điều chưa được biết, nhưng nó quá ngắn đề đặt một người có tầm vóc trung bình vào trong mà không gập cong chân lại (một kỹ thuật không được áp dụng trong nghi lễ tang Ai Cập) và nắp của nó cũng không được tìm thấy.
"Phòng chưa hoàn thiện" nằm 90 feet sâu dưới đất và còn ở tình trạng thô, thiếu tính chính xác như các phòng khác. Phòng này không được các nhà Ai Cập học xem xét bởi vì đơn giản đó chỉ là một sự thay đổi kế hoạch, những người thiết kế đã dự định dùng nó làm phòng chôn cất nhưng sau này Vua Kheops đã thay đổi ý kiến và muốn được chôn trong một phòng ở cao hơn[17]. Nếu xét đến sự chính xác tuyệt đối trong việc lập kế hoạch cũng như xét đến bất kỳ một giai đoạn xây dựng nào của Đại kim tự tháp thì kết luận này cũng là một điều có vẻ khá đáng ngạc nhiên.
Hai nhà Ai Cập học không chuyên người Pháp, Gilles Dormion và Jean-Yves Verd'hurt, vào tháng 8 năm 2004 đã tuyên bố rằng họ đã khám phá ra một phòng chưa từng được biết tới trước đó dưới mặt đất Phòng nữ hoàng bên trong kim tự tháp sau khi sử dụng radar tìm kiếm và phân tích kiến trúc. Họ cho rằng phòng này vẫn chưa bị xâm phạm và có thể đang chứa thi thể nhà vua. Họ cũng cho rằng Phòng Hoàng đế, phòng thường được cho là nơi yên nghỉ ban đầu của Kheops không phải được xây dựng với mục đích làm phòng chôn cất.
Nghiên cứu cho thấy các kim tự tháp ít nhất có 10.000 năm tuổi, Quỹ Edgar Cayce đã cung cấp tài chính cho "Dự án xác định niên đại kim tự tháp bằng Carbon phóng xạ David H. Koch" năm 1984. Dự án đã lấy mẫu các vật liệu hữu cơ (như tro và các cặn lắng than củi) từ nhiều địa điểm bên trong Đại kim tự tháp và các kim tự tháp khác cũng như các lăng mộ từ thời Vương quốc cũ (khoảng Thế kỷ thứ 3 TCN). Các mẫu này được xác định niên đại carbon phóng xạ để tính niên đại thực của chúng. Kết quả cho thấy trung bình chúng có niên đại sớm hơn 374 năm so với ngày tháng ước tính theo lịch sử được các nhà Ai Cập học chấp nhận (2589 — 2504 TCN) nhưng vẫn sớm hơn 10.000 năm trước.[18] Một cuộc nghiên cứu thiên văn học của Kate Spence cho rằng kim tự tháp có niên đại từ năm 2467 TCN.[16]
Một cuộc nghiên cứu niên đại thứ hai năm 1995 sử dụng vật liệu tương tự cho thấy niên đại thay đổi sớm hơn từ khoảng 100-400 năm so với niên đại trong các cuốn sách sử. Điều này đặt ra câu hỏi liên quan tới nguồn gốc và niên đại của gỗ. Rất nhiều gỗ đã được sử dụng và đốt cháy, vì thế để điều chỉnh niên đại sớm này, những nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng có lẽ đã xác định niên đại bằng "gỗ cũ", cho rằng gỗ đã được lấy từ bất kỳ nguồn nào có thể, gồm cả vật liệu xây dựng cũ từ khắp đất nước Ai Cập. Cũng biết rằng, căn cứ vào chất lượng kém và sự khan hiếm của gỗ ở Ai Cập, vua Sneferu (và các pharaoh Ai Cập sau này) đã nhập khẩu gỗ tốt từ Liban và các nước khác như Nubia để chế tạo đồ nội thất trang trí, các con tàu hoàng gia (như được tìm thấy chôn quanh cao nguyên Giza), hay các đồ xa xỉ khác dành cho hoàng gia. Mark Lehner chỉ ra rằng việc này đỏi hỏi "chi phí rất lớn"[19]. Ta không biết, căn cứ vào chi phí, nỗ lực và giá trị của những khối gỗ đó, liệu chúng từng được nhập khẩu với mục đích sử dụng làm nhiên liệu công nghiệp, đặc biệt với số lượng lớn như vậy.
Các nhà khoa học của dự án dựa trên các kết luận của họ với bằng chứng là một số vật liệu trong kim tự tháp Pharaoh Djoser Triều đại thứ 3 và một số lăng mộ khác đã được tái sử dụng, cho rằng việc xây dựng các kim tự tháp đánh dấu một sự cạn kiệt nguồn tài nguyên gỗ có thể khai thác được của Ai Cập. Xác định niên đại các vật có thời gian tồn tại ngắn hơn ở quanh kim tự tháp (quần áo, các đống lửa nhỏ, vân vân) cho thấy niên đại gần hơn với những ghi chép lịch sử. Hiện nay toàn bộ dữ liệu cuộc nghiên cứu còn chưa được công bố[20] trong đó các tác giả nhấn mạnh rằng cần có thêm nhiều bằng chứng nữa để giải quyết vấn đề này. Nếu không tính đến giả thuyết "gỗ cũ", cuộc nghiên cứu chấp nhận "Các kết quả năm 1984 để lại cho chúng ta quá ít dữ liệu để kết luận rằng niên đại lịch sử Vương quốc cũ bị sai lầm 400 năm chúng ta coi nó, ít nhất, là một giả thuyết." [18]
Trong cuốn sách Những chuyến đi của những người xây dựng kim tự tháp [20]
của mình, giáo sư địa chất trường Đại học Boston Robert Schoch đã mô tả chi tiết những sự bất thường cả trong nghiên cứu carbon phóng xạ; đáng chú ý nhất là những mẫu được lấy năm 1984 ở các tầng trên Đại kim tự tháp có niên đại trước năm 3809 TCN (± 160 năm), gần 1400 năm trước thời Kheops, trong khi những mẫu ở các tầng thấp có niên đại trong khoảng 3090-2723 TCN (± 100-400 năm) gần thời được cho là thời gian cầm quyền của Kheops. Dựa vào số liệu đó cho rằng kim tự tháp đã được xây dựng (bất khả thi) từ trên xuống dưới, Dr. Schoch đưa ra lý lẽ rằng nếu thông tin do cuộc nghiên cứu đưa ra là chính xác, nó sẽ tạo ra cảm giác rằng kim tự tháp đã được xây dựng và tiếp tục được xây dựng trong nhiều thời kỳ và các Pharaoh sau này như Kheops là những người thừa kế duy nhất các lăng mộ đã từng tồn tại trước đó, chứ không phải là người đầu tiên xây dựng, và vì thế chỉ đơn giản là xây dựng lại hay sửa chữa lại các công trình có trước.
Tương tự như nhiều công trình lăng mộ từ thời cổ đại khác, cùng với thời gian Đại Kim tự tháp đã trở thành chủ đề của nhiều giả thuyết suy đoán và giải thích về nguồn gốc, niên đại, phương thức xây dựng cũng như mục đích sử dụng của nó. Ngoài ra, còn có các giả thuyết được tiểu thuyết hóa dựa trên các dữ liệu thu thập được tại chỗ như khảo cổ học, lịch sử, thiên văn học hay thậm chí viện dẫn tới cả thần thoại, thần bí, bí thuật số, chiêm tinh và các nguồn thông tin bí truyền khác hay sự tổng hợp của tất cả chúng.
Các ý kiến đó đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng ít nhất từ đầu thế kỷ 20 với giả thuyết cho rằng các kim tự tháp được những người tị nạn từ Atlantis xây dựng. Những năm gần đây một số nhà văn khá nổi tiếng về các giả thuyết liên quan tới kim tự tháp gồm Graham Hancock, Robert Bauval, Adrian Gilbert và cả giáo sư địa chất Đại học Boston Robert M. Schoch. Họ đã đưa ra nhiều giả thuyết về niên đại và nguồn gốc của kim tự tháp Giza và Nhân sư. Trong khi nhiều nhà Ai cập học và các nhà khoa học tại hiện trường thường phủ nhận những giả thuyết đó và cho chúng là một hình thức giả khảo cổ học (nếu chỉ vì chủ đề vật liệu), các nhà chuyên môn khác như giáo sư thiên văn Ed Krupp, người đã từng tham gia tranh luận về các ý kiến của họ đã đưa ra nhiều lý lẽ thiên văn học bác bỏ những giả thuyết đó dựa trên những bằng chứng do họ đưa ra.[21]
Một chủ đề thường thấy trong nhiều giả thuyết liên quan tới kim tự tháp Giza và các địa điểm cự thạch khác xung quanh thế giới là ý kiến cho rằng chúng không phải là các sản phẩm của các nền văn hóa và văn minh trong lịch sử quy ước mà là tàn tích lâu đời hơn nữa của một nền văn hóa cổ tiến bộ chưa từng được biết đến. Nền văn minh này được cho là đã bị tiêu diệt từ thời cổ đại bởi một thảm họa lớn vào khoảng thời kỳ chấm dứt kỷ băng hà cuối cùng, theo đa số họ là khoảng năm 10.500 TCN. Riêng đối với Đại Kim tự tháp, các giả thuyết cho rằng nó đã được xây dựng bởi nền văn minh ngày nay đã mất đó, hoặc việc xây dựng nó có ảnh hưởng từ kiến thức (ngày nay đã mất) học được từ nền văn minh đó. Quan điểm sau này thường được các nhà lý thuyết gần đây như Hancock và Bauval, là những người đã biết rằng Đại Kim tự tháp có hình thức bố trí tương tự Vành đai Orion và Sirius ở thời điểm năm 2450 TCN ủng hộ, dù họ cho rằng sơ đồ bố trí kim tự tháp Giza đã được thực hiện từ năm 10.450 TCN.[22]
Sự tồn tại theo tiên nghiệm của một nền văn minh như vậy được các nhà lý thuyết mặc nhiên công nhận và họ cho rằng đó là cách giải thích thích đáng duy nhất cho việc tại sao những nền văn hóa văn minh nhất thời cổ đại như Ai Cập và Sumer, lại có thể đạt tới những đỉnh cao kỹ thuật như thế ngay từ khi mới bắt đầu xuất hiện và có lẽ cũng chưa từng có tiền lệ. Tuy vậy họ cho rằng cái tiền lệ đó cũng không phải không tồn tại mà chúng được tìm thấy trên khắp thế giới dưới hình thức các tàn tích cự thạch được khám phá từ buổi đầu lịch sử và chúng quá phức tạp để có thể được xây dựng bởi những nền văn minh được cho là chủ chốt thời ấy. Như các nhà lý thuyết khác, John Anthony West coi Ai Cập là một trường hợp đặc thù: "Làm sao một nền văn minh phức tạp lại chỉ tập trung ở thời điểm ban đầu? Hãy nhìn vào một chiếc xe hơi đời 1905 và so sánh nó với một chiếc hiện nay. Không thể không thấy quá trình 'phát triển'. Nhưng tại Ai Cập, không hề có trường hợp song song. Mọi thứ đều ở đó ngay từ khi khởi đầu."[23]
Các nhà Ai Cập học cho rằng Hancock "chỉ công nhận sự tồn tại của rất nhiều dữ liệu và giả thuyết chi tiết được đưa ra để giải thích chúng, sau đó bỏ qua giả thuyết đó và trình bày giả thuyết của mình"[cần dẫn nguồn]. Điều này bởi vì đa số bằng chứng Hancock đưa ra đã từng bị số đông các nhà Ai Cập học và địa chất học bác bỏ bởi vì chúng chưa từng được kiểm tra chéo với các bằng chứng khác. Tuy nhiên, ông là người duy nhất trong số các tác giả và những nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi về tính xác thực của bằng chứng được đưa ra ủng hộ cho lý thuyết chính thống hiện nay, và không thừa nhận bởi có quá nhiều vấn đề tồn tại bên trong những bằng chứng đó. Họ cho rằng những thiếu sót đó còn gồm cả bằng chứng mang ít tính thuyết phục cho rằng kim tự tháp được xây dựng dành cho Kheops — một mối liên hệ đã được chấp nhận trên một cơ sở kém vững chắc hơn những gì thường được chấp nhận trong ngành Ai Cập học.
Hancock, Schoch và những người tìm cách giải thích khác cho các công trình cổ đại cho rằng những tư tưởng truyền thống về Ai Cập học không ngăn cản chúng ta cân nhắc và xem xét những thông tin và những mô hình giải thích mới, và rằng nếu các giả thuyết cũ không thể giải thích sự dị thường đó thì chúng cần phải được đánh giá lại theo quan điểm có được từ những thông tin mới, chứ không phải che giấu những thiếu sót và đó chính là phương pháp làm việc khoa học.
- ^ a ă (21-1-2004)(2006) The Seven Wonders. The Great Pyramid of Giza.
- ^ The Oxford Encyclopedia of Ancient Egypt. Oxford University Press, New York, 2001. Edited by Donald B. Redford. Volume 2, Page 234.
- ^ “Egyptian Art: The Mysterious Lure of an Old Friend”.
- ^ The Pyramids: The Mystery, Culture, and Science of Egypt's Great Monuments, Oxbow Books: tháng 10 năm 2001, 432 pages (ISBN 0902117031)
- ^ a ă â Civil Engineering magazine, tháng 6 năm 1999
- ^ (2006) Raegan Shaw. King Khufu
- ^ pgs. 104-105, 5/5/2000, Richard Noone, 1982 Three rivers Press, New York ISBN 0-609-80067-1
- ^ (September 16-22, 2004)(2006) Al Ahram. The World's Oldest Dam
- ^ Mysteries of the Ancient World, Charles E. Sellier 1995, Dell Publishing, New York ISBN # 0-440-21805-5
- ^ (2006) ThinkQuest. Cheops' Pyramid at Giza
- ^ (4 tháng 2 năm 1997)(2006) PBS. "This Old Pyramid" - Transcript
- ^ The Pyramids of Ancient Egypt. University of Pennsylvania Press, tháng 4 năm 1990, Zahi A. Hawass.
- ^ (6 tháng 7 năm 2001)(2006) National Geographic. Researchers Lift Obelisk with kite to test theory on ancient pyramids
- ^ Ari-Kat documentary, Science Applied to Archaeology.
- ^ Birdsall, Ronald. The Pyramids and Temples of Gizeh.
- ^ a ă (15 tháng 11 năm 2000)(2006) New Scientist. Pyramid precision
- ^ Unfinished Chamber. PBS
- ^ a ă (September/tháng 10 năm 1999)(2006) Archeology Dating the Pyramids Volume 52 Number 5 by members of the David H. Koch Pyramids Radiocarbon Project
- ^ http://www.pbs.org/wgbh/nova/transcripts/1915mpyramid.html
- ^ a ă Schoch, Robert M. (2003). Voyages of the Pyramid Builders. Penguin Books. tr. 14–18. ISBN 1-5-58542-203-7. Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
không hợp lệ: tên “Schoch2003” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ (2006) Antiquity of Man. Astronomical Integrity at Giza
- ^ (2006) Graham Hancock. Like a Thief in the Night
- ^ (1979)(2006). Serpent in the Sky
Wikimedia Commons có thư viện hình ảnh và phương tiện truyền tải về Great Pyramid of Giza |
No comments:
Post a Comment