Thursday, 18 October 2018

Lê Nguyên Vỹ – Wikipedia tiếng Việt


Lê Nguyên Vỹ (1933-1975), nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ một trường Võ bị Địa phương do Chính phủ Quốc gia mở ra ở Trung phần. Ra trường được điều về đơn vị Bộ binh, sau chuyển qua phục vụ đơn vị Nhảy dù một thời gian ngắn. Sau đó lại trở về Bộ binh tuần tự giữ nhiều chức vụ cho đến năm 1973, ông được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy một Sư đoàn Bộ binh (cũng là Chỉ huy cuối cùng của đơn vị này). Ông là một trong năm tướng lĩnh đã tự sát trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.[2]





Ông sinh ngày 22 tháng 8 năm 1933 tại Sơn Tây,[3] miền Bắc Việt Nam trong một gia đình có truyền thống hiếu học thuộc gia tộc "Lê Nguyên" danh giá. Thuở nhỏ ông học Tiểu học tại Sơn Tây. Lên Trung học, ông được gia đình cho ra Hà Nội. Năm 1950, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).


Quân đội Quốc gia Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]


Đầu năm 1951, ông tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 52/204.567. Theo học khóa 2 Lê Lợi tại trường Võ bị Địa phương Trung Việt ở Huế,[4] khai giảng ngày 1 tháng 2 năm 1951. Ngày 1 tháng 10 cùng năm mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy hiện dịch. Ra trường, ông được chuyển về phục vụ trong Tiểu đoàn 19 Việt Nam thuộc Quân đội Quốc gia là thành phần trong Quân đội Liên hiệp Pháp với chức vụ Trung đội trưởng do Đại úy Đỗ Cao Trí làm Tiểu đoàn trưởng. Tháng 4 năm 1952, ông được thăng cấp Thiếu úy tại nhiệm. Đầu năm 1953, ông được cử theo học khóa 1 Biệt kích tại Trung tâm Huấn luyện Biệt động đội tại Vạt Cháy (Bãi Cháy), Hòn Gai, Quảng Yên. Mãn khóa trở về đơn vị gốc (Tiểu đoàn 19) ông được thăng cấp Trung úy và được cử giữ chức vụ Đại đội trưởng. Ngày 1 tháng 3 năm 1954, Tiểu đoàn 19 Việt Nam giải tán dùng làm nòng cốt để thành lập Tiểu đoàn 6 Nhảy dù. Cùng năm, ông được tuyển chọn đi du học khóa huấn luyện viên Nhảy dù tại Pau, Pháp.


Quân đội Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]


Năm 1955, sau khi từ Quân đội Quốc gia chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông bị thương trong chiến trận đẩy lui lực lượng Bình Xuyên ra khỏi trường trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Đến giữa năm 1956, ông được thăng cấp Đại úy và được theo học lớp Bộ binh cao cấp. Mãn khóa, ông được bổ nhiệm làm Quận trưởng Quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Đầu năm 1961, ông được thăng cấp Thiếu tá tại nhiệm. Sau đó trở lại đơn vị Bộ binh, ông được giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 Bộ binh.

Trung tuần tháng 8 năm 1968, sau chiến trận Mậu thân đợt 2, ông được thăng cấp Trung tá lên giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 Bộ binh. Đến giữa năm 1970, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Tháng 8 cùng năm ông được cử đi du học khóa Tham mưu cao cấp (khóa 1970 - 1971) thụ huấn 42 tuần tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ[5]

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1971, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh. Mặt trận Mùa hè đỏ lửa năm 1972, ông trực tiếp tham gia trong Chiến trường An Lộc tử thủ căn cứ chỉ huy. Sau khi chiến thắng, ông được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Chiến thuật Quân đoàn III, sau đó được cử đi du hành thăm viếng Trung Hoa Quốc gia (Đài Loan).

Giữa năm 1973, ông được chuyển về Quân khu 4 giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn 21 Bộ binh do Chuẩn tướng Lê Văn Hưng làm Tư lệnh. Tháng 8, ông bị tai nạn trực thăng trong lúc thị sát mặt trận tại vùng kinh rạch thuộc địa bàn hành quân của Sư đoàn (trực thăng đụng phải ngọn dừa rớt xuống nước), ông bị gẫy chân phải về Tổng viện Cộng hòa điều trị 2 tháng.[6] Ngày 7 tháng 11 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh[7] thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch.[8] Ngày Quốc khánh Đệ Nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1974, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.



Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe nhật lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng hòa các cấp buông súng, ai ở đâu thì ở đó và chờ quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến bàn giao. Ông ra lệnh cho binh sĩ treo cờ trắng trước cổng căn cứ và cho thuộc cấp giải tán. Sau đó ông dùng khẩu Beretta 6.35 bắn vào đầu tự sát tại Bộ Tư lệnh ở Lai Khê.[9] Hưởng dương 42 tuổi.

Thi thể ông được an táng trong rừng cao su gần doanh trại Bộ Tư lệnh. Ngày 2 tháng 5 năm 1975 được thân nhân bốc lên đem về cải táng ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.

Năm 1987, do Nghĩa trang Hạnh Thông Tây có lệnh giải tỏa, hài cốt ông được thân mẫu (đã ngoài 80 tuổi) cùng với người em là Lê Nguyên Quốc từ miền Bắc vào hợp cùng người anh con ông bác là Trung tá Lê Nguyên Hoàng (mới đi tù về) đến Nghĩa trang Hạnh Thông Tây bốc mộ và hỏa thiêu, đem về thờ ở từ đường họ Lê Nguyên tại nguyên quán số nhà 151 đường Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau đó, tái cải táng xây lăng mộ tại Nghĩa trang của gia tộc ở Sơn Tây.



-Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng
-Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu và một số huy chương quân sự, dân sự khác.



  • Thân phụ: Cụ Lê Nguyên Liên

  • Thân mẫu: Cụ Lê Thị Huệ.

  • Phu nhân: Bà Phan Thị Kim Yến (Ông bà có bốn người con gồm 3 trai, 1 gái). Hiện nay bà và các con cháu định cư tại Hoa Kỳ.

Tướng Lê Nguyên Vỹ được đánh giá là một chiến binh quả cảm, một sĩ quan mẫn cán, năng nổ, có tài tham mưu và là một chỉ huỵ bộc trực, thanh liêm, chống tham nhũng. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tinh thần tự lực cánh sinh, tinh thần tự trọng cao độ, không bao giờ ỷ lại vào sự trợ giúp từ phía Hoa Kỳ.


  1. ^ Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng (ân thưởng)

  2. ^ Khi biển cố 30/4/1975 xảy ra, Việt Nam Cộng hòa có 5 tướng lãnh đương nhiệm những chức vụ cao trong Quân lực đã tự sát để đền nợ nước và nêu cao khí tiết là các Thiếu tướng Phạm Văn Phú (Tư lệnh Quân đoàn II), Nguyễn Khoa Nam (Tư lệnh Quân đoàn IV). Các Chuẩn tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh phó Quân đàn IV), Trần Văn Hai (Tư lện Sư đoàn 7 Bộ binh) và Lê Nguyên Vỹ (Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh).

  3. ^ Tỉnh Sơn Tây nay là Thị xã trực thuộc Thành phố Hà Nội.

  4. ^ Trường Võ bị Địa phương Trung Việt còn gọi là trường Sĩ quan Đập Đá được mở trên vị trí và cơ sở trước đó là của trường Võ bị Quốc gia Huế, thường gọi là "Võ bị Huế".
    -Trường Võ bị Huế từ cuối năm 1948 đến giữa năm 1950 đã đào tạo được 2 khóa sĩ quan hiện dịch là khóa 1 Phan Bội Châu và khóa 2 Quang Trung, sau đó chuyển về Đà Lạt (cơ sở cũ của Trường Võ bị Liên quân Viễn Đông, trường này đã dời về Nước Ngọt (Vũng Tàu) đổi tên là trường Võ bị Liên quân Đà Lạt tiếp tục đào tạo sĩ quan từ khóa 3 Trần Hưng Đạo, về sau đổi tên thành Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.
    -Sau khi tiếp quản cơ sở, trường Võ bị Địa phương Trung Việt, tiếp tục đào tạo được thêm 3 khóa sĩ quan nữa là Khóa 1, khai giảng ngày 1 tháng 8 năm 1950. Khóa 2 nhập học ngày 1 tháng 2 năm 1951, đến ngày 1 tháng 10 cùng năm tổ chức lễ khai giảng cho khóa 3. Khóa sinh tốt nghiệp ở 3 khóa này đều mang cấp bậc Chuẩn úy. Sĩ quan xuất thân từ Võ bị Địa phương Trung Việt, sau này có ba người được lên cấp tướng, ngoài tướng Lê Nguyên Vỹ, còn 2 người nữa là Thiếu tướng Võ Văn Cảnh (Khóa 3) và Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp (Khóa 1).


  5. ^ Tu nghiệp lớp Chỉ huy và Tham mưu cùng vói Đại tá Lê Nguyên Vỹ còn có Đại tá Ngô Hán Đồng
    -Trung tá Dương Ngọc Công (Phục vụ trong đơn vị Bộ binh).
    -Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp (Sinh năm 1923 tại Sa Đéc, tốt nghiệp khóa 4 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bạc Liêu).
    -Đại tá Huỳnh Văn Dụ (Sau cùng là Chỉ huy trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 Bộ binh (1969-1971).
    -Đại tá Nguyễn Hữu Duệ (Sinh năm 1931 tại Hưng Yên, tốt nghiệp khóa 6 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Thừa Thiên).
    -Trung tá Võ Đại Khôi (Sinh năm 1932 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tổng cục phó Tổng cục Quân huấn).
    -Trung tá Nguyễn Quang Hưng (Sinh năm 1931 tại Hòa Bình, tốt nghiệp khóa 7 Võ bị Đà Lạt, chức vụ sau cùng là Tham mưu trưởng trường Đại học Chiến tranh Chính trị).
    -Trung tá Huỳnh Thiện Kiếm (Phục vụ trong đơn vị Bộ binh).
    -Trung tá Nguyễn Tiến Lộc (Sinh năm 1928 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tham mưu trưởng Sư đoàn 2 Bộ binh).
    -Trung tá Nguyễn Tuấn Minh (Chỉ huy trưởng căn cứ B.50 thuộc Nha Kỹ thuật Bộ Tổng Tham mưu (cạnh Phi trường Phụng Dực, Ban Mê Thuột).


  6. ^ Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1973, ông là một trong bốn sĩ quan được đặc cách ân thưởng Đệ tam đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu. Ba vị còn lại là:
    -Chuẩn tướng Võ Văn Cảnh
    -Đại tá Nguyễn Trọng Luật (Sinh năm 1929 tại Long Xuyên, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, chức vụ sau cùng là Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac).
    -Đại tá Hoàng Đức Ninh (Sinh năm 1931 tại Phan Rang, tốt nghiệp khóa 3 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, chức vụ sau cùng là Trưởng phòng 3 tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV. Bào huynh của Tổng trưởng Dân vận Hoàng Đức Nhã).


  7. ^ Thời điểm tướng Lê Nguyên Vỹ nhậm chức Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, sĩ quan đảm trách những chức vụ Chỉ huy và Tham mưu:
    Các Đại tá
    -Trần Văn Thoàn (Sinh năm 1932 tại Pháp, tốt nghiệp khóa 7 Võ bị Đà Lạt) - Tư lệnh phó
    -Từ Vấn (Sinh năm 1936 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 12 Võ bị Đà Lạt) - Tham mưu trưởng
    -Nguyễn Văn Vượng (Sinh năm 1933, tốt nghiệp Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức) - Chỉ huy Trung đoàn 7
    Trung tá
    -Nguyễn Bá Mạnh Hùng (Sinh năm 1935, tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt, đầu năm 1975 được thăng cấp Đại tá) - Chỉ huy Trung đoàn 8


  8. ^ Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch thuyên chuyển về Quân khu 3 giữ chức vụ Chánh thanh tra tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn III.

  9. ^ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh đặt tại căn cứ Lai Khê thuộc quận Bến cát, tỉnh Bình Dương.



  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

No comments:

Post a Comment